Một số bất cập trong thực tiễn liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe cơ giới và đề xuất giải pháp
I. Văn bản pháp luật
- Bộ luật Dân sự 2015;
- Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;
- Luật Giao thông đường bộ 2008;
- Văn bản pháp luật khác có liên quan.
II. Phân tích một số bất cập liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe cơ giới
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, theo điểm a Khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doạnh bảo hiểm 2022, chủ xe cơ giới được yêu cầu phải có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Trong đó, khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định “xe cơ giới” gồm “ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.” Dù vậy trên thực tế, nhiều chủ phương tiện cơ giới cho rằng loại bảo hiểm bắt buộc này gần như không có giá trị sử dụng do khi các sự kiện bảo hiểm xảy ra, đa phần các tổ chức cung cấp dịch vụ bảo hiểm không giải quyết cho các chủ phương tiện. Họ cho rằng việc bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự gần như là sự lãng phí và chỉ có giá trị đối phó khi bị lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra phương tiện. Đây là một vấn đề quan trọng và cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để từ đó, đưa ra các giải pháp giúp cho việc triển khai bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe cơ giới trở nên thực chất và mang lại hiệu quả hơn.
2. Bất cập trong quá trình thực hiện loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe cơ giới
2.1. Trách nhiệm dân sự là gì?
Bộ luật Dân sự 2015 không đưa ra định nghĩa cụ thể về trách nhiệm dân sự nhưng dựa theo Khoản 1 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015, có thể hiểu trách nhiệm dân sự là hậu quả bất lợi mà người có hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm nghĩa vụ nói riêng phải chịu, cụ thể:
“Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền…”
Như vậy, trách nhiệm dân sự phát sinh giữa các chủ thể trong đời sống dân sự. Đó có thể là hành vi gây thiệt hại về vật chất, tinh thần của một người với một người khác, chẳng hạn như gây tổn hại đến tài sản, sức khỏe của người khác do hành vi bất cẩn trong khi tham gia giao thông. Về nguyên tắc, một người tham gia giao thông phải đạt các điều kiện quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, bao gồm “độ tuổi”, “sức khỏe” và “có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.” Trong trường hợp gây ra tai nạn cho một người khác và lỗi hoàn toàn thuộc về mình thì người gây ra tai nạn phải bồi thường mọi thiệt hại tương xứng với tổn thất thực tế theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.” Bên cạnh đó, nếu xảy ra va chạm giao thông nhưng các bên không thể tự giải quyết việc bồi thường thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo luật định. Tuy nhiên, do thiệt hại vật chất từ tai nạn giao thông thường rất lớn nên để hỗ trợ một phần kinh tế cho bên phải bồi thường, loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự xuất hiện và được quy định là loại “bảo hiểm bắt buộc”. Theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, khi tham gia giao thông mà người điều khiển không có hoặc không mang theo “Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực” thì sẽ bị coi là vi phạm quy định pháp luật và bị xử phạt.
2.2. Bất cập trong thực tế
Như đã đề cập, việc quy định bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe cơ giới đã và đang tiếp tục gây ra những ý kiến trái chiều. Các quan điểm ủng hộ cho rằng, thiệt hại vật chất xảy ra từ tai nạn giao thông thường rất tốn kém mà chủ phương tiện có thể không có khả năng kinh tế để bồi thường thiệt hại. Nhờ các tổ chức bảo hiểm hỗ trợ một phần, chủ phương tiện phải bồi thường có thể yên tâm và được san sẻ chi phí. Vì thế, bảo hiểm trách nhiệm dân sự mang lại nhiều lợi ích cho người không may phải bồi thường thiệt hại từ tai nạn giao thông. Trên thực tế, loại hình bảo hiểm này cũng đã phát huy tác dụng trong một số vụ việc tai nạn giao thông lớn, điển hình như trong vụ tai nạn liên hoàn trên đường Võ Chí Công tại thành phố Hà Nội ngày 05/04/2023, Công ty bảo hiểm BSH đã tạm ứng 250 triệu đồng cho chủ ô tô gây tai nạn.
Ngược lại, các ý kiến phản đối cho rằng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự gần như không có tác dụng khi xảy ra tai nạn giao thông. Trong khá nhiều vụ tai nạn giao thông, các chủ phương tiện gây ra tai nạn mặc dù đã liên hệ với công ty bảo hiểm theo số điện thoại được cung cấp trên giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự nhưng đa phần không được giải quyết vì nhiều lý do thoái thác của tổ chức cung cấp bảo hiểm. Thực tế, tình trạng này vẫn tồn tại và là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Ví dụ, vào năm 2017 đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông trên đường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, người gặp tai nạn sau đó đã liên hệ đại lý bảo hiểm nhưng phía công ty “hẹn lên hẹn xuống”, rồi yêu cầu nhiều loại hồ sơ, giấy tờ, từ hình ảnh tai nạn, hồ sơ từ cảnh sát giao thông và nhiều giấy tờ khác, tốn rất nhiều thời gian khiến người này nản và bỏ cuộc.
Nói cách khác, việc mua bảo hiểm này là bắt buộc nhưng chủ xe gần như không thể sử dụng loại bảo hiểm này từ chính việc thực hiện nghĩa vụ của công ty bảo hiểm. Bởi suy cho cùng, công ty bảo hiểm là tổ chức kinh tế hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Những vụ tai nạn xảy ra đối với những chiếc xe ô tô có giá trị kinh tế lớn và thậm chí ngay tại những đường phố đông người đi lại chưa chắc đã được tổ chức bảo hiểm giải quyết. Vì vậy, người dân cho rằng đối với những vụ việc va chạm xe máy tại những địa bàn xa xôi ít người chứng kiến thì gần như chắc chắn không được bảo hiểm trách nhiệm dân sự giải quyết. Trên thực tế, không ít trường hợp chủ xe mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự khi xảy ra va chạm không gọi cho tổ chức bảo hiểm bởi cũng dự đoán được cách thức giải quyết của tổ chức này. Như vậy, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự không mang lại quyền lợi thiết thực cho các chủ xe mà có thể chỉ góp phần làm giàu thêm cho tổ chức bảo hiểm. Vì thế, có ý kiến cho rằng nên bỏ loại bảo hiểm này đối với xe máy: “Ngày 05/12/2022, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhận được Đơn kiến nghị, phản ánh ngày 09/11/2022 về việc bỏ quy định bắt buộc Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe gắn máy trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia.”
Ngoài ra, cần đề cập đến tình trạng kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm dân sự hiện nay. Người tham gia giao thông không khó để bắt gặp những đại lý kinh doanh bảo hiểm rong giá rẻ trên các vỉa hè hoặc thậm chí ở ngay lòng, lề đường. Việc kinh doanh bảo hiểm này có thể do người bán tự phát nhưng cũng có thể do các đại lý bảo hiểm phân phối giấy chứng nhận cho những người kinh doanh bảo hiểm. Việc bán bảo hiểm rong thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông bằng mọi cách vừa tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông vừa tạo nên những hình ảnh không đẹp về văn minh, văn hóa giao thông. Mặt khác, không thiếu trường hợp người bán không giải thích được rõ các thông tin, điều khoản, quyền và nghĩa vụ đối với người mua bảo hiểm, trong khi người mua lại lầm tưởng bảo hiểm xe máy giá rẻ chính là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, có thể ứng phó khi gặp cảnh sát giao thông. Không ít chủ phương tiện giao thông mua nhầm loại bảo hiểm tự nguyện vì tưởng rằng bảo hiểm này vẫn được cảnh sát giao thông chấp nhận từ sự tư vấn của người bán bảo hiểm. Ngoài ra, việc bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự cũng rất cẩu thả và lỏng lẻo. Nhiều chủ xe có thể tự mua tờ giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự rồi mang về tự điền thông tin. Thậm chí, bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn được bày bán công khai với giá rẻ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
III. Một số đề xuất, kiến nghị
Dù quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe cơ giới đã được nêu rõ trong Bộ luật Dân sự 2015, loại hình bảo hiểm này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ hưởng ứng hoàn toàn của người tham gia giao thông. Do đó, để việc triển khai bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe cơ giới được thực chất hơn, cần xem xét các giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần có các quy định thể hiện các nội dung như thời hạn giải quyết của tổ chức bảo hiểm đối với chủ phương tiện cơ giới có quyền được bảo hiểm, yêu cầu công khai những đường dây tiếp nhận thông tin về việc tổ chức bảo hiểm trách nhiệm dân sự không thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm như cam kết và cơ chế xử phạt thích đáng đối với các tổ chức này.
Như đã đề cập, một trong những nguyên nhân khiến người tham gia giao thông không hưởng ứng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là việc giải quyết của các tổ chức bảo hiểm còn tồn đọng nhiều vấn đề. Đó có thể là sự chậm trễ trong quá trình giải quyết vụ việc hay thậm chí là né tránh thực hiện nghĩa vụ. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn lỏng lẻo. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định công khai đường dây nóng của các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý hệ thống tổ chức bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Hiện nay, trên các giấy tờ chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự chỉ có duy nhất số điện thoại của tổ chức bảo hiểm và như đã biết, khi chủ phương tiện không liên lạc được hoặc không được tổ chức bảo hiểm giải quyết, họ sẽ không biết phải liên lạc với cá nhân, cơ quan để khiếu nại, tố cáo những sai phạm của tổ chức bảo hiểm. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm cần tăng cường hơn nữa chế độ thanh tra, kiểm tra, giám sát và mở rộng hơn việc lấy ý kiến phản hồi của các chủ phương tiện giao thông về việc sử dụng loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự này. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu và quy định những chế tài xử phạt đối với tổ chức bảo hiểm nếu có chứng cứ rõ ràng chứng minh tổ chức này tìm cách thoái thác nghĩa vụ bảo hiểm do việc này không những gây thiệt hại trực tiếp cho chủ phương tiện mua bảo hiểm mà còn gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Nhà nước. Bên cạnh đó, cũng cần phải có những quy định chặt chẽ về thời hạn giải quyết của tổ chức bảo hiểm đối với chủ phương tiện có quyền lợi được bảo hiểm để các tổ chức này không thể cố tình gây khó khăn nhằm kéo dài thời gian chi trả bảo hiểm. Từ đó, việc thực hiện bảo hiểm trách nhiệm dân sự mới đáp ứng nhu cầu và quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm.
Thứ hai, cần nhanh chóng dẹp bỏ tình trạng kinh doanh bảo hiểm tràn lan, tùy tiện trên các đường phố.
Như đã biết, việc kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm dân sự nói riêng và các loại bảo hiểm khác hiện nay đang diễn ra tùy tiện. Hơn nữa, việc kinh doanh của những người bán bảo hiểm tự phát này diễn ra đã từ lâu và thường ngay tại những tuyến phố có đông phương tiện giao thông nhưng không được các cơ quan quản lý thị trường tại địa phương xử lý. Hậu quả của việc kinh doanh bảo hiểm tùy tiện vừa có thể gây ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, thiếu mỹ quan đô thị, vừa hạ thấp uy tín của các loại bảo hiểm. Vì vậy, cần có biện pháp quyết liệt xử lý tình trạng bày bán bảo hiểm bừa bãi trên vỉa hè, lòng, lề đường. Quy định có thể theo hướng yêu cầu người đứng đầu chính quyền địa phương nơi có người bán bảo hiểm rong phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu không xử lý triệt để hay để tình trạng tiếp tục tái diễn.