Các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về tước quốc tịch

Lượt xem: 33
Ngày đăng: 17-02-2025
Tác giả: Lê Hoàng Sơn
Mục lục bài viết

1. Khái niệm “tước quốc tịch”

Trên thế giới có nhiều cách định nghĩa khác nhau về “tước quốc tịch”. Sự khác nhau này không chỉ được thể hiện trong công trình nghiên cứu của các học giả khác nhau mà ngay cả trong các văn kiện pháp lý của Liên hợp quốc. Cụ thể, các nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nêu rõ rằng thuật ngữ “tước quốc tịch” sử dụng trong Tuyên ngôn phổ quát về Nhân quyền[1] bao gồm cả trường hợp quốc tịch bị mất một cách tự động do áp dụng pháp luật và hành vi tước quốc tịch trong các trường hợp cụ thể bởi cơ quan hành chính hoặc tư pháp có thẩm quyền. Mặt khác, Công ước về Giảm thiểu tình trạng không quốc tịch năm 1961 của Liên hợp quốc lại sử dụng một cách tiếp cận khác khi định nghĩa thuật ngữ này. Theo đó, Công ước phân biệt rõ hai thuật ngữ “mất quốc tịch” – dùng để chỉ việc thu hồi quốc tịch một cách tự động[2], và “tước quốc tịch” – dùng để chỉ tình huống mà việc thu hồi quốc tịch của một người là do cơ quan nhà nước thực hiện[3]. Trên cơ sở quy định của các văn kiện trên, Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn đã đưa ra một khái niệm cơ bản về “tước quốc tịch”. Theo đó, “tước quốc tịch” là tình trạng “một nhà nước chủ động lấy đi quốc tịch của công dân nhà nước đó”[4]. Với cách định nghĩa này, “tước quốc tịch” bao gồm tất cả các hình thức mất đi quốc tịch một cách không tự nguyện được thực hiện bởi Nhà nước.

Như vậy, theo nghĩa rộng, “tước quốc tịch” có thể được hiểu là việc một nhà nước chủ động từ chối công nhận một người là công dân của mình bằng nhiều cách thức khác nhau và việc từ chối này trái với mong muốn của người đó. Bản chất pháp lý của “tước quốc tịch” là hành vi đơn phương của một nhà nước nhằm phủ nhận tư cách công dân của cá nhân với nhà nước đó, hay nói cách khác, đây là sự phủ nhận các quyền mà người đó được hưởng từ phía nhà nước với tư cách là công dân.

2. Quy định pháp luật Việt Nam về tước quốc tịch

Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định việc mất đi quốc tịch một cách không tự nguyên của cá nhân gồm “tước quốc tịch”[5] và “hủy quyết định cho nhập quốc tịch”[6]. Dù vậy, theo nghĩa rộng, cả hai biện pháp này đều có thể được hiểu chung là tước quốc tịch theo pháp luật quốc tế nói chung. Luật Quốc tịch 2008 quy định các căn cứ mất quốc tịch Việt Nam gồm: được thôi quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch Việt Nam và hai trường hợp khác liên quan tới việc xác định quốc tịch con theo cha mẹ[7]. Như vậy, về cơ bản các quy định của Luật Quốc tịch 2008 có sự tương đồng với các quy định của pháp luật quốc tế khi ghi nhận quốc tịch cá nhân có thể mất đi trên cơ sở tự nguyện – “được thôi quốc tịch” hoặc bắt buộc – “bị tước quốc tịch”. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng quy định căn cứ và thủ tục riêng cho hai nội dung “tước quốc tịch” và “hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch” tại Mục 3 và Mục 4 Chương III Luật Quốc tịch 2008.

2.1. Căn cứ áp dụng

a. Tước quốc tịch Việt Nam

Căn cứ tước quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 31 Luật Quốc tịch 2008 như sau:

Điều 31. Căn cứ tước quốc tịch Việt Nam

1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”

Theo đó, việc tước quốc tịch có thể được áp dụng khi cơ quan nhà nước thẩm quyền xác định các chủ thể thuộc phạm vi áp dụng có “hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây có thể được xem là dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất để cơ quan chức năng cân nhắc, xem xét áp dụng biện pháp tước quốc tịch đối với người thực hiện hành vi. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có thể áp dụng đối với một số đối tượng nhất định, bao gồm công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài và những người được nhập quốc tịch Việt Nam, bất kể người đó cư trú trong lãnh thổ Việt Nam hay ở nước ngoài.

Đối với nhóm đối tượng đầu tiên được quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch 2008, biện pháp tước quốc tịch chỉ có thể áp dụng khi thỏa mãn cả hai điều kiện sau:

  • Người thực hiện hành vi là công dân Việt Nam;
  • Người đó đang cư trú ở nước ngoài vào thời điểm xem xét.

Đối với điều kiện đầu tiên, theo Hiến pháp năm 2013, “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Như vậy, biện pháp tước quốc tịch đặt ra đối với cá nhân có quốc tịch Việt Nam được xác định theo các căn cứ quy định tại Điều 14 Luật Quốc tịch 2008. Đối với điều kiện thứ hai, công dân Việt Nam đó phải đang “cư trú” ở nước ngoài. Khoản 2 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020 định nghĩa “cư trú” là “việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã”. Như vậy, tước quốc tịch có thể áp dụng với công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở ngoài lãnh thổ Việt Nam tại thời điểm xem xét.

Đối với nhóm đối tượng thứ hai, nhóm này được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Quốc tịch 2008 là những người “được nhập quốc tịch Việt Nam” theo quy định của Điều 19 Luật này. Theo đó, Khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch 2008 quy định đối tượng có thể được nhập quốc tịch Việt Nam gồm công dân nước ngoài và người không có quốc tịch nếu thỏa mãn các điều kiện luật định. Như vậy, ở trường hợp này, việc tước quốc tịch chỉ đặt ra với cá nhân có quốc tịch Việt Nam thông qua việc được nhập quốc tịch, và không đặt ra đối với cá nhân có quốc tịch Việt Nam một cách tự nhiên như quốc tịch được xác định theo quốc tịch của cha mẹ, xác định theo nơi sinh ra trong trường hợp trẻ bị bỏ rơi mà không biết cha mẹ là ai…

Như vậy, biện pháp tước quốc tịch không áp dụng đối với đối tượng là công dân Việt Nam không thuộc trường hợp được nhập quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.

b. Hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

Điều 33 Luật Quốc tịch 2008 quy định căn cứ hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam như sau:

Điều 33. Căn cứ hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

1. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này, dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà cố ý khai báo không đúng sự thật hoặc giả mạo giấy tờ khi xin nhập quốc tịch Việt Nam thì Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam có thể bị hủy bỏ, nếu được cấp chưa quá 5 năm.

2. Việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của vợ hoặc chồng không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của người kia.”

Theo quy định này thì việc huỷ bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam được đặt ra khi cơ quan chức năng phát hiện người nộp hồ sơ có hành vi “cố ý khai báo không đúng sự thật hoặc giả mạo giấy tờ” khi xin nhập quốc tịch và Quyết định cho nhập quốc tịch được cấp chưa quá 5 năm. Như vậy, khác với biện pháp tước quốc tịch, căn cứ để huỷ bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam không phải là hành vi chống phá Nhà nước, mà là hành vi vi phạm quy định về thủ tục nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, cụ thể là hành vi khai báo thông tin sai sự thật hoặc giả mạo giấy tờ. Trong thực tế, nội dung khai báo của người yêu cầu nhập quốc tịch và các giấy tờ liên quan như bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu,… là những căn cứ quan trọng để cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định việc cho nhập quốc tịch Việt Nam. Khi các thông tin này được xác định là không đúng sự thật hoặc giấy tờ xác định là giả mạo, các căn cứ để cho một cá nhân nhập quốc tịch Việt Nam cũng không còn và vì thế Quyết định cho nhập quốc tịch phải bị huỷ.

Về đối tượng áp dụng của biện pháp này, khoản 1 Điều 33 Luật Quốc tịch 2008 quy định rõ là “người đã nhập quốc tịch Việt Nam”, bất kể người đó đang ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam vào thời điểm xem xét. Tham chiếu đến Điều 19 Luật này, người có thể được nhập quốc tịch Việt Nam gồm “công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam” và phải thỏa mãn các điều kiện do Điều này quy định. Như vậy, biện pháp huỷ Quyết định cho nhập quốc tịch đặt ra đối với cá nhân là công dân nước ngoài, người không có quốc tịch đã được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật nhưng có hành vi cố ý khai báo không đúng sự thật hoặc giả mạo giấy tờ khi xin nhập quốc tịch Việt Nam với điều kiện thời gian được nhập quốc tịch không quá 5 năm.

2.2. Trình tự thủ tục áp dụng

Hiện nay, Hiến pháp 2013 và Luật Quốc tịch 2008 quy định thẩm quyền quyết định tước quốc tịch Việt Nam và huỷ bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thuộc về Chủ tịch nước[8]. Trình tự, thủ tục tiến hành hai biện pháp này được quy định lần lượt tại Điều 32 và Điều 34 Luật Quốc tịch 2008. Chủ thể có thẩm quyền nộp hồ sơ kiến nghị việc tước quốc tịch Việt Nam gồm:

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp người thực hiện hành vi đang cư trú tại Việt Nam;
  • Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong trường hợp người thực hiện hành vi đang cư trú tại nước ngoài;
  • Tòa án đã xét xử đối với bị cáo có hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 31 của Luật này.

Trong khi đó, chủ thể có thẩm quyền nộp hồ sơ kiến nghị việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam gồm:

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  • Tòa án đã xét xử đối với bị cáo có hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 33 của Luật này.

Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch và hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam được hướng dẫn lần lượt bởi Điều 22 và Điều 23 Nghị định 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, và được các chủ thể kiến nghị gửi đến Bộ Tư pháp.

Đối với tước quốc tịch Việt Nam, theo Điều 32 Luật Quốc tịch 2008, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc của Tòa án, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan thẩm tra hồ sơ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc tước quốc tịch Việt Nam của cá nhân bị kiến nghị.

Đối với hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, theo Điều 34 Luật Quốc tịch 2008, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của Tòa án, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của cá nhân bị kiến nghị.

3. Nhận xét

Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, hai biện pháp tước quốc tịch và huỷ bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch có những điểm khác biệt cơ bản sau đây:

Một là, biện pháp tước quốc tịch có thể được áp dụng khi cá nhân có các hành vi gây phương hại nghiêm trọng tới lợi ích, uy tín của Nhà nước. Đối với việc huỷ Quyết định cho nhập quốc tịch, căn cứ cho việc áp dụng là cá nhân có hành vi khai báo, cung cấp thông tin gian dối trong quá trình nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Hai là, biện pháp tước quốc tịch được áp dụng với công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài và những người được nhập quốc tịch Việt Nam có các hành vi bị xem xét. Trong khi đó, việc huỷ Quyết định cho nhập quốc tịch chỉ áp dụng với người đã nhập quốc tịch Việt Namcó các hành vi bị xem xétvới điều kiện là Quyết định cho nhập quốc tịch được cấp chưa quá 5 năm.


[1] Universal Declaration of Human Rights.

[2] Điều 7 Công ước về Giảm thiểu tình trạng không quốc tịch năm 1961.

[3] Điều 8 Công ước về Giảm thiểu tình trạng không quốc tịch năm 1961.

[4] UNHCR, “UNHCR releases new guidelines on loss and deprivation of nationality”, 21/05/2020.

[5] Mục 3 Chương III Luật Quốc tịch 2008.

[6] Mục 4 Chương III Luật Quốc tịch 2008.

[7] Điều 26 Luật Quốc tịch 2008.

[8] Khoản 4 Điều 88 Hiến pháp 2013; Khoản 1 Điều 38 Luật Quốc tịch 2008.

Chia sẻ:

Bài viết liên quan