Hoàn thiện một số quy định pháp luật trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
I. Văn bản pháp luật
- Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (“Luật KDBH”);
- Văn bản pháp luật khác có liên quan.
II. Phân tích một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện một số quy định trong Luật KDBH
Trong cuộc sống, tổ chức, cá nhân có thể gặp những trở ngại, bất trắc do những rủi ro không lường trước bất ngờ xảy ra. Cụ thể, trong các trường hợp như tài sản bị hư hỏng, mất mát; con người mắc bệnh tật, gặp tai nạn hoặc tử vong;…, tổ chức, cá nhân thường phải gánh chịu những thiệt hại nhất định về tài chính. Để giảm bớt gánh nặng từ những thiệt hại này, tổ chức, cá nhân có thể chuyển giao những rủi ro sang bên kinh doanh bảo hiểm để họ gánh chịu thay, đó là mục đích cơ bản của bảo hiểm.
1. Bản chất của kinh doanh bảo hiểm
Khoản 2 Điều 4 Luật KDBH quy định:
“…2. Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm…”
Theo đó, bản chất của kinh doanh bảo hiểm là bên kinh doanh, gồm doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, bằng khả năng tài chính của mình, cam kết bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng khi có rủi ro trong phạm vi bảo hiểm xảy ra. Để đảm bảo cam kết của mình, bên kinh doanh phải tạo lập quỹ bảo hiểm, được hình thành từ vốn của nhà bảo hiểm và phí bảo hiểm thu từ người mua bảo hiểm.
Theo nguyên tắc kinh doanh, việc kinh doanh bảo hiểm phải đem lại lợi nhuận, đồng nghĩa với việc phí bảo hiểm bên kinh doanh thu được luôn phải nhỏ hơn số tiền bảo hiểm mà họ cam kết chi trả. Để làm được điều đó, bên kinh doanh bảo hiểm phải đảm bảo nguyên tắc số đông bù cho số ít, tức họ thu hút được nhiều người tham gia bảo hiểm nhưng chỉ phải chi trả, bồi thường cho một số ít người không may gặp rủi ro.
Rủi ro là yếu tố tồn tại trong tương lai và không chắc chắn sẽ xảy ra. Khi tham gia vào quan hệ kinh doanh bảo hiểm, bên mua và bên bán đều không mong muốn rủi ro xảy ra. Chính vì vậy, trong quá trình tham gia bảo hiểm, bên mua và bên bán phải có sự hợp tác lẫn nhau trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến rủi ro cũng như các điều khoản xác định trách nhiệm của các bên trong hợp đồng bảo hiểm.
Kinh doanh bảo hiểm được thực hiện dựa trên cơ sở niềm tin giữa những người tham gia bảo hiểm với bên kinh doanh bảo hiểm. Niềm tin này được xác lập dựa trên khả năng tài chính, uy tín của bên kinh doanh bảo hiểm và sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Các quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm cụ thể, rõ ràng sẽ giúp các tổ chức, cá nhân tự tin mua bảo hiểm, góp phần tránh xảy ra tranh chấp và thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh.
2. Một số quy định còn bất cập của Luật KDBH và kiến nghị hoàn thiện
2.1. Quy định về nghĩa vụ phải hiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm của bên mua bảo hiểm
Điều kiện, điều khoản bảo hiểm chính là sản phẩm bảo hiểm, do bên kinh doanh bảo hiểm soạn thảo và ban hành. Do lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm khá phức tạp và trừu tượng nên sản phẩm bảo hiểm được bên kinh doanh thể hiện thông qua câu chữ. Do đó, bên kinh doanh là chủ thể hiểu rõ nhất các điều kiện và điều khoản bảo hiểm. Mặt khác, bên mua, nếu không phải những người có trình độ, chuyên môn về lĩnh vực này, sẽ không thể hiểu được các nội dung được quy định về điều kiện và điều khoản bảo hiểm.
Tuy nhiên, điểm b Khoản 2 Điều 21 Luật KDBH quy định nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm như sau:
“2. Bên mua bảo hiểm có các nghĩa vụ sau đây:
…b) Đọc và hiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và nội dung khác của hợp đồng bảo hiểm;…”
Quy định này bất cập ở chỗ do bản chất của kinh doanh bảo hiểm gắn liền với rủi ro – một yếu tố không chắc chắn sẽ xảy ra, nên sản phẩm bảo hiểm có tính chất trừu tượng. Cụ thể, để có thể thiết kế được các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, bên kinh doanh phải có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và sự am hiểu sâu sắc về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, bên kinh doanh có nghĩa vụ giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 20 Luật KDBH, cụ thể như sau:
“2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:
…b) Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;…”
Nghĩa vụ giải thích của bên kinh doanh bảo hiểm cũng đồng thời là quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Vì vậy, sau khi được bên kinh doanh bảo hiểm giải thích hợp đồng bảo hiểm và tiến hành ký kết, bên mua phải tự chịu trách nhiệm với việc ký kết hợp đồng của mình. Việc quy định bên mua phải có trách nhiệm đọc và hiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm đồng nghĩa với việc trong trường hợp họ không hiểu, họ sẽ không được ký kết hợp đồng. Điều này trái với nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng trong pháp luật dân sự Việt Nam.
Để đảm bảo tính song vụ của hợp đồng bảo hiểm và do tính đặc thù của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, đề xuất bỏ điểm b Khoản 2 Điều 21 Luật KDBH.
2.2. Quy định về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin
Trong kinh doanh bảo hiểm, nghĩa vụ cung cấp thông tin rất quan trọng. Thông tin do các bên cung cấp có thể dẫn đến quyết định mua bảo hiểm hoặc không của bên mua. Do đó, trong trường hợp một trong các bên tham gia giao kết hợp đồng bảo hiểm có hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật, bên đó sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý nhất định. Điều 22 Luật KDBH quy định trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin như sau:
“Điều 22. Trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin
1. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
2. Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (nếu có).
3. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có).”
Quan hệ kinh doanh bảo hiểm phải trải qua ba giai đoạn: giai đoạn giao kết hợp đồng bảo hiểm; giai đoạn thực hiện hợp đồng bảo hiểm; giai đoạn sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Bản chất của kinh doanh bảo hiểm, như đã đề cập, là việc bên kinh doanh gánh chịu tổn thất trong phạm vi bảo hiểm cho bên được bảo hiểm xuyên suốt ba giai đoạn bảo hiểm. Trong khoảng thời gian này, một số biến cố, thay đổi có thể phát sinh đối với cả hai bên. Vì vậy, nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên trong quan hệ kinh doanh bảo hiểm phải được duy trì xuyên suốt cả ba giai đoạn. Tuy nhiên, Điều 22 Luật KDBH nêu trên chỉ mới quy định về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Do đó, cần bổ sung quy định về nội dung này tại hai giai đoạn thực hiện hợp đồng bảo hiểm và giai đoạn xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Ngoài ra, quy định tại Khoản 3 Điều 22 nêu trên chưa công bằng và thỏa đáng. Cụ thể, nếu bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin sai thì bên kinh doanh bảo hiểm được đơn phương hủy bỏ hợp đồng, được bồi thường nếu có thiệt hại phát sinh và chỉ phải hoàn lại phí bảo hiểm sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý. Tương tự, nếu bên kinh doanh bảo hiểm cung cấp thông tin sai thì bên mua cũng có quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng và được bồi thường nếu có thiệt hại phát sinh. Tuy nhiên, mục đích của bên mua bảo hiểm là chuyển giao rủi ro sang bên kinh doanh nên họ cần là duy trì quan hệ bảo hiểm để
2.3. Quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe
Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm con người là những lợi ích có được từ người được bảo hiểm. Lợi ích này có thể là lợi ích vật chất và cũng có thể là lợi ích về tinh thần.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe là mối quan hệ giữa người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm. Mối quan hệ này là các quan hệ liên quan đến huyết thống, vợ chồng, quan hệ ràng buộc tài chính. Theo quy định tại Điều 34 Luật KDBH, bên mua bảo hiểm chỉ được mua bảo hiểm cho chính mình hoặc những người có quan hệ vợ chồng, huyết thống. Trường hợp bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm cho người không thuộc các mối quan hệ trên thì buộc phải có quan hệ về quyền lợi tài chính hoặc quan hệ lao động. Sự hạn chế trong Điều 34 thể hiện ở nội dung của điểm c, cụ thể là: “Anh ruột, chị ruột, em ruột hoặc người khác có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng”.
Trước hết, cần tìm hiểu nuôi dưỡng, cấp dưỡng được hiểu như thế nào theo luật định. Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”. Như vậy, cấp dưỡng có các đặc điểm sau:
- Cấp dưỡng bản chất là một nghĩa vụ tồn tại giữa hai chủ thể, một bên là người có nghĩa vụ cấp dưỡng và một bên là người nhận cấp dưỡng (người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; người gặp khó khăn, túng thiếu, nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các chủ thể trên cơ sở quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Theo đó: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này”.
- Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh trong điều kiện nhất định. Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ phái sinh, tức là khi quan hệ nuôi dưỡng không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ thì lúc đó quan hệ cấp dưỡng mới xuất hiện.
Trong khi đó điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật KDBH quy định về quyền lợi được bảo hiểm vẫn tách bạch giữa vợ, chồng, con, cha, mẹ, anh, chị, em ruột với các chủ thể còn lại là giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột là chưa hợp lý, vì các chủ thể này có nghĩa vụ cấp dưỡng theo luật định thì đương nhiên họ phải có quyền lợi được bảo hiểm hay nói cách khác họ không cần phải chứng minh quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng.
- Kế đến, nuôi dưỡng và cấp dưỡng không thể cùng tồn tại, vì như đã phân tích ở trên, nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh trong điều kiện nhất định. Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ phái sinh, tức là khi quan hệ nuôi dưỡng không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ thì lúc đó quan hệ cấp dưỡng mới xuất hiện, do đó sử dụng chung cụm từ “nuôi dưỡng và cấp dưỡng” hay “nuôi dưỡng, cấp dưỡng” cũng chưa hợp lý.
- Cuối cùng, cấp dưỡng bản chất là một “nghĩa vụ” được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 mà tính chất của nghĩa vụ thì khác biệt so với “quan hệ” trong Luật KDBH. Ví dụ: Một người chú họ hàng tháng cung cấp tiền cho người cháu chưa thành niên gặp hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa thì rõ ràng quan hệ cấp dưỡng đã được thiết lập hoàn toàn phù hợp với đạo đức xã hội, không trái với pháp luật; và nếu căn cứ vào điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật KDBH thì người này hoàn toàn có thể là bên mua bảo hiểm cho bên được bảo hiểm (người cháu).
Vì vậy, kiến nghị sửa điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật KDBH từ “Anh ruột, chị ruột, em ruột hoặc người khác có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng với bên mua bảo hiểm” thành: “Anh ruột, chị ruột, em ruột và những người có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc người khác có quan hệ nuôi dưỡng hay cấp dưỡng với bên mua bảo hiểm”.
2.4. Quy định về “giá trị hoàn lại”
Giá trị hoàn lại là một thuật ngữ rất quan trọng trong kinh doanh bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm là thông tin giúp cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng hiểu được quyền lợi của mình khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn hoặc trước khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Giá trị hoàn lại áp dụng cho các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có chứa giá trị hoàn lại. Do đó, người tham gia bảo hiểm phải hiểu và nắm được cách tính giá trị hoàn lại trước khi ký kết hợp đồng.
Thông thường, bên mua bảo hiểm sẽ không có ý định muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do mục đích của việc mua bảo hiểm là để nhận được khoản tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra hoặc khi đến hạn hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, đôi khi xảy ra trường hợp người mua bảo hiểm không thể tiếp tục theo đuổi hợp đồng và buộc phải chấp nhận lấy một khoản tiền nhất định là giá trị hoàn lại. Vì vậy, quy định về giá trị hoàn lại và cách tính giá trị hoàn lại nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm và đồng thời tránh tình trạng các doanh nghiệp bảo hiểm tính và áp dụng không thống nhất, dẫn đến tranh chấp và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Sự quan trọng của quy định về giá trị hoàn lại và cách tính giá trị hoàn lại khá rõ. Dù vậy, LKDBH chưa quy định thế nào là giá trị hoàn lại và cách tính giá trị hoàn lại, mặc dù Khoản 4 Điều 37, Khoản 3 Điều 27 có nhắc đến cụm từ này. Trên thực tế, khái niệm giá trị hoàn lại và cách tính giá trị hoàn lại do các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ quy định trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm đó ban hành. Để bảo đảm sự thống nhất quy định về thuật ngữ giá trị hoàn lại và cách tính giá trị hoàn lại, LKDBH cần bổ sung khái niệm giá trị hoàn lại vào Điều 4 như sau: “Giá trị hoàn lại là số tiền mà bên mua bảo hiểm sẽ nhận được khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn hoặc trước khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Giá trị hoàn lại chỉ áp dụng đối với những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại”. Đồng thời, Điều 37 LKDBH cũng cần bổ sung thêm Khoản 5 với nội dung như sau: “Cách tính giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ = Giá trị tài khoản (tại ngày chấm dứt hợp đồng) – Chi phí chấm dứt hợp đồng hoặc khoản nợ (nếu có)”.
2.5. Quy định về chuyển yêu cầu bồi hoàn
Chuyển yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm tài sản là việc doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thế quyền bên được bảo hiểm để đòi người gây ra thiệt hại hoàn trả lại số tiền đã bồi thường trong phạm vi mức độ lỗi của người gây ra thiệt hại. Quy định về chuyển yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm tài sản là hoàn toàn hợp lý, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bên bán bảo hiểm trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây ra thiệt hại cho bên được bảo hiểm.
Khoản 1 Điều 54 LKDBH quy định về chuyển yêu cầu bồi hoàn như sau:
“1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, trường hợp người thứ ba có trách nhiệm bồi thường do hành vi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm thì thực hiện như sau:
a) Sau khi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trả tiền bồi thường, người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp đã bồi thường;
b) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nếu người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn”.
Như vậy, theo quy định trên thì bên bán bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài) chỉ được quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm chuyển quyền yêu cầu đòi bồi thường cho mình khi có đủ hai điều kiện:
Một là, người thứ ba phải có lỗi trong việc gây ra tổn thất cho người được bảo hiểm;
Hai là, bên bán bảo hiểm đã phải trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm.
Tuy nhiên, điểm b Khoản 1 Điều 54 LKDBH lại quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nếu người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn”. Theo quy định tại điểm a thì bên bán bảo hiểm đã phải trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm mới được quyền yêu cầu người được bảo hiểm chuyển quyền khiếu nại sang cho mình. Nhưng điểm b lại quy định, nếu người được bảo hiểm không bảo lưu quyền khiếu nại hoặc không chuyển giao quyền yêu cầu thì bên bán bảo hiểm có quyền khấu trừ tiền bồi thường theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm. Sự bất hợp lý ở đây thể hiện, sau khi bên bán bảo hiểm đã trả tiền bồi thường, nếu người được bảo hiểm có lỗi trong việc bảo đảm quyền khiếu nại của bên bán bảo hiểm đối với người gây ra thiệt hại thì liệu bên bán bảo hiểm có thực hiện được quyền khấu trừ tiền bồi thường được nữa hay không? Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho cả bên bán bảo hiểm và người được bảo hiểm, pháp luật cần phải sửa đổi theo hướng: khi bên bán bảo hiểm đồng ý bồi thường thì người được bảo hiểm phải thế quyền cho bên bán bảo hiểm để đòi người gây ra thiệt hại trong giới hạn số tiền mà bên bán bảo hiểm cam kết sẽ bồi thường.
Do đó, kiến nghị gộp điểm a, b Khoản 1 Điều 54 LKDBH thành: “Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có văn bản đồng ý trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài”.