Quy định về đăng ký chương trình, dự án bù trừ các-bon tại Việt Nam
1. Khái niệm bù trừ các-bon
Bù trừ các-bon là việc các tổ chức thực hiện giảm phát thải khí nhà kính thông qua tổ chức và vận hành các chương trình, dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Theo đó, lượng khí nhà kính giảm được thông qua chương trình, dự án sẽ được sử dụng để bù vào lượng khí nhà kính mà tổ chức thải ra trong quá trình hoạt động.
Tham khảo Điều 38 Nghị định thực thi Đạo luật phân bổ và trao đổi giấy phép phát thải khí nhà kính của Hàn Quốc (“Nghị định thực thi”), giảm phát thải khí nhà kính thu được từ các chương trình, dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận có thể được quy đổi thành tín chỉ các-bon. Theo đó, một tấn khí CO2 tương đương giảm được thông qua chương trình, dự án sẽ được quy đổi thành một tín chỉ các-bon, cho phép chủ chương trình, dự án sử dụng để giao dịch trên sàn giao dịch các-bon hoặc để bù vào hạn ngạch phân bổ quy định bởi Chính phủ.
2. Đối tượng xây dựng, thực hiện chương trình, dự án bù trừ các-bon
Theo Khoản 1 Điều 20 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, đối tượng xây dựng, thực hiện chương trình, dự án bù trừ các-bon gồm:
- Tổ chức Việt Nam có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án;
- Tổ chức nước ngoài có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Đánh giá tính phù hợp của chương trình, dự án bù trừ các-bon
Tham khảo Điều 39 Nghị định thực thi, một chương trình, dự án bù trừ các-bon sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong trường hợp của Việt Nam là Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá tính phù hợp trước khi được chấp thuận, dựa trên các tiêu chí sau:
- Liệu có tồn tại bất kỳ nỗ lực nào được thực hiện trong dự án để giảm phát thải khí nhà kính, ngoài việc thực hiện những yêu cầu chung về bảo vệ môi trường, giảm phát thải đối với doanh nghiệp hay không;
- Liệu hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính đạt được thông qua dự án có bền vững và có thể được duy trì dài hạn hay không;
- Liệu mức giảm phát thải khí nhà kính thông qua dự án có thể được đo lường, xác minh và chứng nhận hay không;
- Liệu các phương pháp bù trừ phát thải và quản lý dự án có phù hợp với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không;
- Liệu dự án có tuân thủ các tiêu chuẩn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hay không.
4. Một số loại hình chương trình, dự án bù trừ các-bon ở Việt Nam
- Dự án nhà máy điện gió tỉnh Bạc Liêu: Nhà máy điện gió gần bờ đầu tiên của Việt Nam, đặt tại tỉnh Bạc Liêu, với tổng công suất 99.2 MW, ước tính giảm phát thải khoảng 143.761 tấn khí CO2 mỗi năm.
- Dự án thủy điện Nậm Pia: Dự án thủy điện tại khu vực miền núi tỉnh Sơn La, Việt Nam với tổng công suất 15 MW, ước tính giảm phát thải khoảng 30.780 tấn khí CO2 mỗi năm.
- Dự án nhà máy điện mặt trời Quang Minh: Nhà máy điện mặt trời Quang Minh được đầu tư xây dựng tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk bởi Công ty Cổ phần Điện mặt trời Srepok với công suất 50 MWp, ước tính sản xuất 72.448 MWh điện mỗi năm. Dự án sử dụng các tấm pin đa tinh thể để thu hồi bức xạ mặt trời và phát điện. Các tấm pin mặt trời sử dụng trong dự án được nhập khẩu từ Trung Quốc, tuổi thọ 25 năm. Lượng giảm phát thải từ dự án ước tính khoảng 61.524 tấn khí CO2 tương đương mỗi năm.
- Dự án xử lí rác thải đô thị Vietstar tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh: Hoạt động dự án bao gồm phân loại rác thải đô thị, tái chế rác thải từ nhựa, xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp nhiệt hiếu khí, ước tính giảm phát thải khoảng 181.492 tấn khí CO2 tương đương mỗi năm.
- Dự án chuyển đổi nhiên liệu lò hơi từ dầu FO sang than trấu tại Công ty Sài Gòn VeWong, thành phố Hồ Chí Minh: Dự án tạo ra hơi từ phụ phẩm sinh khối (viên nén vỏ trấu) - loại nhiên liệu trung tính các-bon, có tác động môi trường không đáng kể và tận dụng phụ phẩm sinh khối, do đó mang lại mức giảm phát thải là 24.866 tấn khí CO2 tương đương mỗi năm.
- Dự án đồng phát nhiệt điện sử dụng bã mía của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn - LASUCO: Qua dự án này, LASUCO mở rộng nhà máy đường với công suất từ 4.000 tấn mía/năm lên 7.500 tấn mía/năm cho phép nhà máy tạo ra lượng phụ phẩm sinh khối thặng dư vào khoảng 175.000 tấn mỗi năm dùng để phát điện, đạt được giảm phát thải khoảng 31.706 tấn khí CO2 mỗi năm.
- Dự án giảm phát thải khí metan lúa tại Nghệ An: Dự án được Công ty TNHH Green Carbon Nhật Bản phối hợp với Công ty TNHH Quản lý Thủy lợi Bắc Nghệ An tổ chức bằng cách triển khai hệ thống quản lý tưới tiêu mới trên diện tích 30.000 ha ruộng lúa tại Nghệ An. Dự án tập trung sử dụng phương pháp “tưới gián đoạn” để giảm lượng khí metan thải ra từ ruộng lúa. Cụ thể, Green Carbon sẽ xen kẽ việc thấm nước vào ruộng và để khô trong một thời gian nhất định để kiểm soát hoạt động của vi khuẩn tạo ra khí metan trong đất - nguồn phát thải khí metan chính, từ đó giảm lượng khí metan thải ra môi trường.
5. Hồ sơ đăng ký chương trình, dự án bù trừ các-bon
Khoản 2 Điều 20 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định đối tượng được nêu tại Khoản 1 Điều này nếu thực hiện chương trình, dự án bù trừ các-bon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì nộp hồ sơ đăng ký chương trình, dự án bao gồm:
“a) Đơn đề nghị chấp thuận chương trình, dự án theo Mẫu số 03 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Tài liệu chương trình, dự án được xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
c) Báo cáo kỹ thuật hoặc báo cáo thẩm định chương trình, dự án của cơ quan thẩm định độc lập theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
d) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực các loại giấy phép và văn bản có liên quan đến hoạt động chuyên môn của chương trình, dự án theo quy định hiện hành.”
Trong đó, các cơ chế bù trừ các-bon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên gồm:
- Cơ chế Phát triển sạch quy định tại Điều 12 Nghị định thư Kyoto;
- Cơ chế Tín chỉ chung giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều này quy định nếu các đối tượng thực hiện chương trình, dự án bù trừ các-bon ngoài khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì nộp hồ sơ đăng ký chương trình, dự án bao gồm các tài liệu trên, bổ sung thêm một số tài liệu:
“a) Khi đăng ký chương trình, dự án phải gửi thông tin đăng ký về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Mẫu số 04 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, dự án phải định kỳ hằng năm cung cấp thông tin tình hình thực hiện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 theo Mẫu số 05 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.”
Các tài liệu nêu trên sẽ được nộp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường theo một trong các hình thức nộp trực tiếp, trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.
6. Quy trình xử lý hồ sơ đăng ký chương trình, dự án bù trừ các-bon
Khoản 3 Điều 20 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định quy trình xử lý hồ sơ đăng ký chương trình, dự án bù trừ các-bon như sau:
“a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức về một trong các trường hợp: chấp nhận hồ sơ hợp lệ; yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hoặc từ chối nếu hồ sơ không hợp lệ. Thời hạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị là không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày có thông báo bằng văn bản về việc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá hồ sơ đề nghị chấp thuận chương trình, dự án thông qua việc lấy ý kiến cơ quan có liên quan. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến kèm theo hồ sơ;
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả đánh giá, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định chấp thuận chương trình, dự án và thông báo cho tổ chức đề nghị; trong trường hợp không được chấp thuận thì phải nêu rõ lý do.”
Như vậy, quá trình xử lý hồ sơ đăng ký chương trình, dự án bù trừ các-bon sẽ được thực hiện trong vòng tối thiểu 45 ngày.