Quy định của pháp luật Việt Nam về thị trường các-bon trong nước
Khoản 1 Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 ("Luật BVMT 2020") quy định về thị trường các-bon trong nước như sau: “Thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Từ quy định trên, có thể thấy thị trường các-bon trong nước có các đặc điểm như sau:
1. Đối tượng được trao đổi trong thị trường các-bon là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon
a. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính
- Về định nghĩa: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính của quốc gia, tổ chức, cá nhân được phép phát thải trong một khoảng thời gian xác định, được tính theo tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương (theo khoản 33 Điều 4 Luật BVMT 2020).
- Về căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính:
Khoản 3 Điều 139 Luật BVMT 2020 quy định như sau:
“3. Căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính bao gồm:
a) Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và chiến lược, quy hoạch phát triển khác có liên quan;
b) Kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, lĩnh vực và cơ sở thuộc danh mục quy định tại khoản 3 Điều 91 của Luật này;
c) Lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế”.
- Về đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và việc phân bổ hạn mức phát thải khí nhà kính:
Sau khi xác định được tổng hạn mức phát thải khí nhà kính cấp quốc gia theo giai đoạn và hằng năm, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ tiến hành phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính (quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP: “1. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: a) Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; b) Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; c) Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; d) Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên). Chi tiết các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính được liệt kê chi tiết tại Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Để thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, Điều 12 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Căn cứ mục tiêu, lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Điều 7 Nghị định này và kết quả kiểm kê khí nhà kính trong kỳ kiểm kê gần nhất của các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tỷ lệ hạn ngạch dự trữ và đấu giá cho giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm.
2. Căn cứ vào tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính quy định tại khoản 1 Điều này, kết quả kiểm kê khí nhà kính trong kỳ kiểm kê gần nhất và tình hình thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý lĩnh vực liên quan xây dựng, ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này cho giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm.
….”
- Về thẩm quyền phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính: Khoản 10 Điều 139 Luật BVMT năm 2010 quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phân bố hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều này….”. Như vậy, hạn ngạch phát thải khí nhà kính của các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (quy định tại Quyết định 01/2022/QĐ-TTg) do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ.
b. Tín chỉ các-bon
Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương (Khoản 35 Điều 3 Luật BVMT năm 2020). Tín chỉ các-bon được lưu thông trên thị trường các-bon phải là tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Cơ chế hoạt động của thị trường các-bon là cơ chế trao đổi, bù trừ
a. Đối với việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính
Khoản 4, 5 Điều 139 Luật BVMT năm 2020 quy định như sau:
“4. Cơ sở phát thải khí nhà kính chỉ được phát thải khí nhà kính trong hạn ngạch đã được phân bổ; trường hợp có nhu cầu phát thải vượt hạn ngạch được phân bổ thì mua hạn ngạch của đối tượng khác thông qua thị trường các-bon trong nước.
5. Cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính hoặc không sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ thì được bán lại cho đối tượng khác có nhu cầu thông qua thị trường các-bon trong nước
…
7. Cơ sở phát thải khí nhà kính tham gia thị trường các-bon trong nước thực hiện trao đổi, đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch, tín chỉ các-bon; thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Theo quy định trên, các cơ sở phát thải khí nhà kính có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu (được phân bổ). Nếu phát thải thêm sẽ phải mua hạn ngạch từ các cơ sở phát thải khí nhà kính khác. Ngược lại trong trường hợp cơ sở giảm phát thải khí nhà kính hoặc không sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ thì được bán lại cho đối tượng khác thông qua thị trường các-bon. Điều này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh, phát thải thấp thông qua việc chủ động lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện, tình hình sản xuất kinh doanh của mình. Chẳng hạn đối với các doanh nghiệp có tiềm năng giảm phát thải lớn với chi phí thấp có thể lập tức đầu tư chuyển đổi công nghệ giảm phát thải, và từ đó có thể tăng thêm nguồn thu từ việc bán hạn ngạch dư thừa. Ngược lại, các doanh nghiệp cần chi phí lớn hơn để giảm phát thải thì có thể mua hạn ngạch từ những đơn vị khác dư thừa hạn ngạch.
b. Đối với việc trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon
Khoản 5 Điều 3 Nghị định 06/2022/NĐ-CP giải thích về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon như sau: “Cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon là các cơ chế thực hiện việc đăng ký, triển khai các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ các-bon theo các phương pháp được quốc tế hoặc Việt Nam công nhận. Tín chỉ các-bon từ các chương trình, dự án được trao đổi trên thị trường các-bon hoặc bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch được phân bổ.”
Căn cứ Điều 20 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, việc đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon được hướng dẫn như sau:
“1. Đối tượng xây dựng, thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon
a) Tổ chức Việt Nam có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án;
b) Tổ chức nước ngoài có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nộp hồ sơ đăng ký đề nghị chấp thuận chương trình, dự án tới Bộ Tài nguyên và Môi trường theo một trong các hình thức: nộp trực tiếp, trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính. Hồ sơ đề nghị chấp thuận dự án bao gồm:
a) Đơn đề nghị chấp thuận chương trình, dự án theo Mẫu số 03 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Tài liệu chương trình, dự án được xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
c) Báo cáo kỹ thuật hoặc báo cáo thẩm định chương trình, dự án của cơ quan thẩm định độc lập theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
d) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực các loại giấy phép và văn bản có liên quan đến hoạt động chuyên môn của chương trình, dự án theo quy định hiện hành.
3. Đánh giá và chấp thuận chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức về một trong các trường hợp: chấp nhận hồ sơ hợp lệ; yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hoặc từ chối nếu hồ sơ không hợp lệ. Thời hạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị là không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày có thông báo bằng văn bản về việc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá hồ sơ đề nghị chấp thuận chương trình, dự án thông qua việc lấy ý kiến cơ quan có liên quan. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến kèm theo hồ sơ;
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả đánh giá, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định chấp thuận chương trình, dự án và thông báo cho tổ chức đề nghị; trong trường hợp không được chấp thuận thì phải nêu rõ lý do.
4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về tổ chức đánh giá chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, chỉ định cơ quan quản lý chuyên ngành về biến đổi khí hậu làm cơ quan thường trực đánh giá.
5. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon ngoài khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm:
a) Khi đăng ký chương trình, dự án phải gửi thông tin đăng ký về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Mẫu số 04 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, dự án phải định kỳ hằng năm cung cấp thông tin tình hình thực hiện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 theo Mẫu số 05 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.”.
Bên cạnh những đối tượng xây dựng, thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon nêu trên, Điều 8 Nghị định 06/2022/NĐ-CP còn quy định thêm những đối tượng có thể tham gia vào cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon bao gồm:
“1. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.
2. Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Theo đó, việc trồng rừng, phát triển rừng có thể tạo ra tín chỉ carbon (được gọi là tín chỉ carbon rừng) được xác định từ lượng CO2 hoặc CO2e được tạo ra từ hoạt động REDD+[1]. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, từ đó quy đổi thành tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon.
3. Chủ thể tham gia thị trường các-bon trong nước
Điều 16 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước như sau:
“1. Cơ sở thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này.
2. Tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon.”
Như vậy, đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước bao gồm:
- Các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hiện nay có 6 lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg, bao gồm: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng các quá trình công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải;
- Tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trù tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (bao gồm nhưng không giới hạn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật);
- Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon.