Nhận diện các sai phạm, vướng mắc trong hoạt động nhận, thực hiện dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam.

  1. Một số nét khái quát về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam trong thời gian qua.

Trong thời gian qua, bên cạnh lĩnh vực hoạt động của mình, các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã có những ý kiến đóng góp tích cực cho nhiều dự thảo văn bản pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, tham gia vào công cuộc cải cách tư pháp và bước đầu khẳng định được tiếng nói của giới luật sư trong công cuộc xây dựng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Về hoạt động nhận, thực hiện dịch vụ pháp lý, tại Báo cáo trong lễ kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2019) và 10 năm thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam (2009-2019), Luật sư Phan Trung Hoài đã tổng kết những con số ấn tượng: Trong vòng 10 năm (từ năm 2009 đến 31/12/2018), đội ngũ Luật sư đã tham gia vào hơn 133.000 vụ án hình sự; trên 114.000 vụ việc dân sự; hơn 51.000 vụ việc trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, thương mại[1]... Không chỉ gia tăng về số lượng, dịch vụ pháp lý của luật sư đã ngày càng nâng cao về chất lượng và có sự thay đổi, chuyển dịch cơ cấu. Nếu như trước đây, các tổ chức, cá nhân chỉ có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư khi đã thực sự xảy ra các tranh chấp, buộc phải giải quyết bằng con đường tố tụng tại tòa án, dịch vụ pháp lý của luật sư chủ yếu là tham gia tranh tụng, thì hiện nay, việc cung cấp dịch vụ pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư vô cùng đa dạng và đang được sử dụng rộng rãi. Người dân và doanh nghiệp tìm đến luật sư để được cung cấp các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính (hộ tịch, đất đai, doanh nghiệp, đầu tư, sở hữu trí tuệ…) và mong muốn được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ngay từ quá trình đàm phán soạn thảo hợp đồng; xây dựng nội quy, quy chế; giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải; tham gia vào các vụ án hình sự từ giai đoạn tiền tố tụng… Các dịch vụ pháp lý do luật sư và tổ chức hành nghề luật sư cung cấp đã giúp cho các thủ tục hành chính được vận hành nhanh chóng, chính xác, giảm thời gian, công sức, chi phí của cả cơ quan Nhà nước và cá nhân, doanh nghiệp; giảm thiểu, hạn chế các thiệt hại và mâu thuẫn có thể xảy ra trong quá trình vận hành tổ chức và giao dịch kinh doanh; làm rõ sự thật khách quan, ngăn chặn, phát hiện những vi phạm trong quá trình tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Để tạo điều kiện cho quá trình hành nghề của các luật sư, hệ thống pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của luật sư trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cũng ngày càng được hoàn thiện. Các luật sư đã được đảm bảo quyền lợi tốt hơn khi tham gia quá trình tố tụng, đặc biệt, luật sư có thể được ghi nhận tư cách bảo vệ ngay từ giai đoạn điều tra. Ý kiến của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tại phiên tòa đã được Hội đồng xét xử, kiểm sát viên quan tâm, ghi nhận và coi trọng hơn. Bên cạnh các quyền theo pháp luật quy định, các Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phải đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự năm 2015, Bộ Luật Hình sự năm 2015… đến quy định chuyên ngành quy định tại Luật Luật sư năm 2006; Luật Luật sư sửa đổi năm 2012 và các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, do đặc thù của nghề nghiệp, hoạt động của Luật sư còn chịu sự điều chỉnh của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Các quy định, quy tắc này vừa định hướng cho hoạt động nghề nghiệp của Luật sư, vừa ngăn chặn, xử lý các vi phạm.

Tuy vậy, cũng giống như bất kỳ ngành nghề, tổ chức nào, bên cạnh những thành tích, ưu điểm, hoạt động nhận, thực hiện dịch vụ pháp lý của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư vẫn còn những tồn tại làm ảnh hưởng đến nghề luật sư nói chung. Việc nhận diện những sai phạm và vướng mắc trong hoạt động nhận, thực hiện dịch vụ pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam sẽ góp phần xây dựng, phát triển mạnh mẽ hơn hoạt động nghề nghiệp của các tổ chức hành nghề Luật sư tại Việt Nam.

  1. Nhận diện một số sai phạm, vướng mắc của tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam trong nhận, thực hiện vụ việc của khách hàng

2.1. Nhận diện một số sai phạm của tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam trong nhận, thực hiện vụ việc của khách hàng

Trong quan hệ giữa tổ chức hành nghề luật sư và khách hàng, các sai phạm của tổ chức hành nghề luật sư, nếu có, cũng tồn tại chủ yếu trong quá trình tiếp nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng. Các sai phạm này có thể xuất phát từ những sơ suất do thiếu cập nhật quy định pháp luật, Bộ quy tắc đạo đức nghề hoặc thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nhưng cũng có một số trường hợp tổ chức hành nghề luật sư cố tình vi phạm vì lợi ích của chính mình. Một số sai phạm phổ biến có thể nhận diện cụ thể như:

Thứ nhất, nhận vụ việc của khách hàng nhưng không thực hiện

Quy tắc 11 thuộc Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam quy định hành vi và cách ứng xử của Luật sư trong quá trình tiếp nhận vụ việc và Quy tắc 12 quy định hành vi và cách ứng xử của luật sư khi thực hiện vụ việc của khách hàng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động hành nghề, một số tổ chức hành nghề Luật sư đã tiếp nhận vụ việc, ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý và đã được chi trả/tạm ứng phí dịch vụ tư vấn/thù lao luật sư nhưng không thực hiện công việc đã cam kết.

Xuất phát từ tâm lý tin tưởng vào Luật sư – những người hiểu biết pháp luật, tôn trọng pháp luật và giúp đỡ người khác tìm lẽ phải, công bằng, khách hàng thường chấp nhận chi trả trước cho Luật sư một khoản thù lao cố định, không phụ thuộc vào kết quả công việc. Tuy nhiên, sau khi nhận được khoản thù lao này, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do sự hạn chế về khả năng, năng lực hay do sự thiếu trách nhiệm, Luật sư đã không triển khai các công việc trên thực tế để giải quyết vụ việc của khách hàng. Khách hàng – những người đã và đang có quyền và lợi ích bị xâm phạm, lại tiếp tục trở thành “nạn nhân” bởi chính đối tượng mà mình đã đặt sự kỳ vọng giúp mình đòi lại quyền lợi chính đáng. Do vậy, trước Tòa án nhân dân có thẩm quyền, có những Luật sư không phải tham gia phiên tòa với vị trí người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hay người đại diện của đương sự, mà lại đứng ở vị trí bị đơn, bị khởi kiện bởi chính các khách hàng của mình. Việc phải trả lại toàn bộ hoặc một phần chi phí đã tạm ứng cho khách hàng là tất yếu và đã xảy ra trên thực tế, nếu tổ chức hành nghề Luật sư không chứng minh được mình đã thực hiện các công việc theo Hợp đồng với khách hàng[2].

Thứ hai, nhận, đòi hỏi thêm các khoản tiền, lợi ích từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý

Tại điểm đ Khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư sửa đổi năm 2012 quy định trong hoạt động hành nghề luật sư, nghiêm cấm luật sư: “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”. Tuy nhiên trong thực tiễn, một số trường hợp các Luật sư, Công ty luật, Văn phòng luật sư vẫn yêu cầu, đòi hỏi khách hàng phải chi trả thêm các khoản tiền, lợi ích ngoài phạm vi Hợp đồng dịch vụ pháp lý đã thỏa thuận.

Hợp đồng dịch vụ pháp lý là cơ sở quan trọng nhất để tổ chức hành nghề luật sư và khách hàng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Hành vi vi phạm của luật sư có thể xuất phát từ khả năng, kinh nghiệm trong đánh giá tính chất phức tạp của vụ việc và kỹ năng đàm phán, soạn thảo Hợp đồng của Luật sư. Do chưa từng giải quyết vụ việc tương tự, Luật sư đã đưa ra những nhận định sai lầm về thời gian, cách thức thực hiện dịch vụ pháp lý, dẫn đến việc đề xuất thù lao không tương xứng với giá trị dịch vụ và công sức cần thiết, hoặc luật sư chấp nhận ký kết loại Hợp đồng trọn gói, trong khi không lường trước được các chi phí phát sinh, như lệ phí Nhà nước, chi phí đi lại, chi phí giám định… Lúc này, nếu Tổ chức hành nghề Luật sư yêu cầu khách hàng chi trả thêm phí dịch vụ, mặc dù là chi phí phù hợp giá cả thị trường, vẫn là vi phạm hợp đồng dịch vụ pháp lý và vi phạm quy tắc hành nghề.

Tuy nhiên, ngoài trường hợp không mong muốn như trên, vẫn thực sự tồn tại những Luật sư cố ý sách nhiễu, đòi hỏi thêm các khoản tiền, lợi ích từ khách hàng, thậm chí là những chi phí không tồn tại trên thực tế. Liên quan đến các trường hợp này, đã có các Luật sư bị xử lý kỷ luật bởi Hội đồng khen thưởng – kỷ luật của các Đoàn Luật sư[3], thậm chí, nếu có đủ căn cứ để chứng minh thủ đoạn gian dối, Luật sư còn bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản[4].

Thứ ba, cam kết, hứa hẹn kết quả công việc

Trong suốt quá trình hành nghề, tiếp xúc với khách hàng và thương thảo ký kết Hợp đồng dịch vụ, các Luật sư liên tục phải đối mặt với các câu hỏi của khách hàng: Vụ việc có thắng kiện được không? Tỷ lệ/ khả năng là bao nhiêu? Hành vi vi phạm này bị tuyên bao nhiêu năm tù giam?... Trong các tình huống này, không ít Luật sư bối rối trước những câu hỏi thăm dò về kết quả vụ việc của khách hàng và đưa ra những khẳng định, hứa hẹn vượt ngoài tầm kiểm soát của Luật sư. Cũng có những trường hợp, với mong muốn nhận được sự tin tưởng của khách hàng để ký kết được hợp đồng và thu được thù lao, một số luật sư không ngần ngại cam kết “án treo”, “vô tội”, “khung thấp nhất” hoặc cam kết con số lợi ích/ bồi thường… mà khách hàng sẽ nhận được. Sự vi phạm này có một số trường hợp còn thể hiện trên những điều khoản trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, cũng có thể chỉ là những hứa hẹn bằng lời nói hoặc sự không rõ ràng, khiến cho khách hàng hiểu nhầm về phạm vi công việc của Luật sư. Đây được xác định là sai phạm có tính chất nghiêm trọng và thường bị xử lý kỷ luật ở mức tạm đình chỉ tư cách thành viên của Đoàn Luật sư[5].

Vì vậy, khi gặp tình huống này luật sư phải ghi nhớ Quy tắc 9 trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư quy định những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng là “9.8. Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư”. Cho dù một Luật sư có khả năng chuyên môn giỏi và bề dày kinh nghiệm đến đâu, cũng không thể khẳng định chắc chắn mức án hay kết quả của vụ án. Chỉ có bản án có hiệu lực của Tòa án nhân dân có thẩm quyền mới quy định được các vấn đề này.

Thứ tư, một số sai phạm khác

Qua thực tiễn xử lý vi phạm của các Đoàn Luật sư, một số tổ chức hành nghề Luật sư còn vi phạm trong việc không ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản với khách hàng[6], lừa dối khách hàng[7], cung cấp dịch vụ pháp lý cho các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau…Theo Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2017 của Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2017, có 1.405 Tổ chức hành nghề Luật sư, nhưng chỉ có 05 trường hợp bị đề xuất quyết định xử lý kỷ luật[8]. Còn tại Hà Nội, năm 2017, Đoàn Luật sư Hà Nội đã giải quyết 46 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến Luật sư, trong đó xét kỷ luật 4 trường hợp[9].

Tuy chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng những sai phạm này đã gây ra những ảnh hưởng đối với hoạt động của nghề luật sư nói chung và ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của luật sư nói riêng, làm cho khách hàng mất niềm tin vào Luật sư và ảnh hưởng tới sự cao quý trong hoạt động hành nghề Luật sư. Do vậy, việc nhận diện các sai phạm này của một số luật sư trong quá trình hành nghề sẽ giúp cho các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư nhận thức được sứ mệnh và trách nhiệm nghề nghiệp của mình, xây dựng một đội ngũ Luật sư của Việt Nam không chỉ có chuyên môn tốt, mà quan trọng hơn cả là ứng xử chuyên nghiệp, văn minh và tôn trọng đạo đức nghề nghiệp.

2.2. Nhận diện một số vướng mắc trong hoạt động nhận, thực hiện dịch vụ pháp lý của tổ chức hành nghề Luật sư tại Việt Nam

Nếu như những sai phạm là vấn đề mà các tổ chức hành nghề Luật sư cần nhận diện và khắc phục, thì những vướng mắc trong hoạt động nhận, thực hiện dịch vụ pháp lý là vấn đề xuất phát từ sự mâu thuẫn hoặc chưa rõ ràng, chưa hợp lý của các quy định pháp luật hiện hành và quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp. Những vướng mắc này phần nào sẽ gây ra những khó khăn, lúng túng cho tổ chức hành nghề luật sư khi tuân thủ, áp dụng. Một số vướng mắc cụ thể có thể nhận diện như:

Thứ nhất, chuyển giao vụ việc của khách hàng cho Luật sư khác giải quyết

Khoản 3 Điều 24 Luật luật sư quy định: “Luật sư không chuyển giao vụ, việc mà mình đã nhận cho luật sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng”. Tuy nhiên, luật sư hành nghề tại các tổ chức hành nghề luật sư không được tự ý giao kết Hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng với tư cách cá nhân mà luôn phải thông qua tổ chức mình đang hành nghề. Trưởng Văn phòng Luật sư/ Giám đốc Công ty luật là người đại diện ký kết Hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng nhưng không đồng thời là người nhận vụ việc. Người đứng đầu tổ chức hành nghề có quyền phân công, giao nhiệm vụ cho một hoặc một số luật sư khác trong tổ chức thực hiện vụ việc. Việc phân công này có thể được thể hiện bằng một Quyết định phân công luật sư hoặc xác nhận tại Đơn mời/ yêu cầu luật sư của khách hàng.

Như vậy, vấn đề phát sinh khi một luật sư, bằng mối quan hệ cá nhân đã thuyết phục được khách hàng ký kết Hợp đồng dịch vụ với Văn phòng luật sư/Công ty luật, có thể hứa hẹn bằng lời nói về việc sẽ trực tiếp giải quyết vụ việc; tuy nhiên, sau đó, Trưởng Văn phòng Luật sư/ Giám đốc Công ty lại ra quyết định cử một Luật sư khác giải quyết vụ việc. Hoạt động trong một tổ chức, luật sư phải tuân thủ theo quy chế của tổ chức, quyết định của cấp trên quản lý. Trong trường hợp này, liệu rằng Luật sư có bị coi là vi phạm Luật luật sư khi đã chuyển giao vụ việc mình đã nhận (bằng lời nói) cho luật sư khác làm thay?

Do vậy, chúng tôi cho rằng, đến nay, hiểu thế nào là “vụ việc mà mình đã nhận” vẫn còn là vấn đề khó hiểu và gây tranh cãi. Nếu không có sự giải thích rõ ràng về vấn đề này, sẽ gây ra những mâu thuẫn, xung đột trong việc tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp với quy định nội bộ của tổ chức Luật sư tham gia hành nghề.

Thứ hai, một số vướng mắc khác

Ngoài một số vướng mắc nêu trên, tại Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam còn tồn tại nhiều quy định chung chung. Cụ thể Quy tắc số 10.1 quy định “Khi được khách hàng yêu cầu tiếp nhận vụ việc, luật sư cần nhanh chóng trả lời cho khách hàng biết về việc có tiếp nhận vụ việc hay không”, tuy nhiên quy định này rất khó để xác định thế nào là “nhanh chóng”. Nếu không có những quy định mang tính chất định lượng, khách hàng có thể lý giải theo quan điểm chủ quan và thực hiện khiếu nại về các hành vi có dấu hiệu vi phạm của luật sư, ảnh hưởng đến danh dự và hoạt động bình thường của Tổ chức hành nghề Luật sư.

  1. Một số kiến nghị nhằm hạn chế sai phạm, vướng mắc trong hoạt động nhận, thực hiện dịch vụ pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam

Thứ nhất, hoàn thiện Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư

Như đã phân tích tại phần trên, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong quy định của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động nhận, thực hiện dịch vụ pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam. Do vậy, cần thiết phải xem xét sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, tránh gây ra nhiều cách hiểu và để áp dụng thống nhất, thuận tiện trong việc xử lý kỷ luật.

Thứ hai, nâng cao năng lực chuyên môn của luật sư và năng lực quản trị của tổ chức hành nghề luật sư

Khi năng lực chuyên môn được nâng cao, luật sư sẽ hạn chế những đánh giá sai lầm trong quá trình nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Luật sư có năng lực thuyết phục, đàm phán tốt sẽ không đặt bản thân vào thế yếu khi ký Hợp đồng với khách hàng. Luật sư có kỹ năng soạn thảo Hợp đồng tốt, sẽ xây dựng được biểu mẫu Hợp đồng dịch vụ pháp lý chặt chẽ để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức mình, hạn chế những xung đột, sai phạm với khách hàng.

Bên cạnh đó, người quản lý điều hành các tổ chức hành nghề luật sư cần nâng cao năng lực quản trị nhân sự và quản lý thời gian làm việc. Sau khi ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý, các hoạt động triển khai thực tế sẽ được phân công nhiệm vụ cho các luật sư khác phụ trách và các nhân viên pháp lý, luật sư tập sự hỗ trợ. Nếu không sát sao trong công tác kiểm soát thời gian và báo cáo, chính Trưởng Văn phòng luật sư/ Giám đốc Công ty luật sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc luật sư, nhân viên cấp dưới không tích cực, chủ động thực hiện công việc cho khách hàng. Do vậy, các tổ chức hành nghề luật sư nên xây dựng và chuẩn hóa các quy chế, quy tắc trong việc tiếp nhận và thực hiện hồ sơ của khách hàng, đặc biệt quy tắc trong việc duy trì liên lạc, thông báo tiến độ và báo cáo kết quả thực hiện công việc với khách hàng.

Thứ ba, rà soát sửa đổi quy định pháp luật về xử lý vi phạm Luật luật sư và Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư

Hiện nay, các hành vi vi phạm Luật luật sư sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và và vi phạm Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư sẽ bị xử lý theo Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật Ban hành kèm theo Quyết định số 203/QĐ-HĐLSTQ ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc. Tuy vậy, các chế tài, hình thức xử phạt tại các văn bản này vẫn chưa đủ tính răn đe nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm. Do vậy, cần xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản trên theo hướng xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm, đặc biệt cân nhắc mối quan hệ giữa vi phạm và hậu quả; không để tồn tại trường hợp một vài cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp luật sư nói chung của cả cộng đồng luật sư nói riêng.

Thứ tư, tăng cường công tác phổ biến pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho luật sư

Hiện nay, các quy định của Luật Luật sư và Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp được đưa vào nội dung môn học bắt buộc, đầu tiên trong hệ thống giảng dạy đào tạo nghề luật sư tại Học viện tư pháp nhằm đảm bảo trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức cho các Luật sư tương lai. Tuy nhiên, thực tế pháp luật và quy tắc luôn được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính hợp lý và phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội; mặt khác lại tồn tại một bộ phận các luật sư chuyển từ các chức danh tư pháp, nghề nghiệp có liên quan và được miễn đào tạo nghề luật sư như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ luật. Do vậy, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư cần có cơ chế định kỳ tổ chức các chương trình phổ biến pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng hành nghề cho các luật sư thành viên nhằm giúp cho luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tránh mắc các sai phạm trong hoạt động nghề nghiệp. Việc tăng cường phổ biến pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho luật sư thành viên thường xuyên sẽ giúp cho luật sư cập nhật quy định pháp luật mới và vững vàng hơn về kiến thức chuyên môn, đồng thời nâng cao vị thế của nghề nghiệp, cộng đồng Luật sư tại Việt Nam.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư

Cho đến nay, các hành vi vi phạm pháp luật và quy tắc hành nghề luật sư trong quá trình nhận, thực hiện dịch vụ pháp lý đã bị phát hiện, xử lý hầu hết thông qua các đơn khiếu nại, tố cáo của khách hàng. Tuy vậy, việc xử lý tại giai đoạn này là quá muộn để có thể khắc phục được những hậu quả mà khách hàng đã phải gánh chịu.

Do đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh cần chủ động, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề của luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư, để kịp thời phát hiện và xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật, không để xảy ra hiện tượng các vi phạm kéo dài trong nhiều năm, đối với nhiều khách hàng và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cần phải xác định rõ ràng, công tác thanh, kiểm tra được tiến hành nhằm mục đích giúp đỡ, chấn chỉnh hoạt động hành nghề của luật sư theo hướng hiệu quả, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, cần tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi sách nhiễu, cố tình gây khó khăn, xáo trộn hoạt động hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư trong quá trình kiểm tra, giám sát.

Kết luận:

Bất kỳ nghề nghiệp nào trong xã hội cũng đều có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội, tuy nhiên vẫn sẽ có những điểm cần hoàn thiện thêm. Thiết nghĩ, trong hoạt động hành nghề, mỗi luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đều cần cố gắng, nỗ lực để giữ gìn sự “cao quý” của nghề nghiệp luật sư bằng tất cả “Tâm” và “Tài”. Quá trình nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý chính là hai giai đoạn quan trọng nhất để các tổ chức hành nghề luật sư chứng minh và xây dựng hình ảnh, thương hiệu của mình, do đó, cần được đặc biệt được coi trọng và nghiêm túc tuân thủ. Chúng tôi tin tưởng rằng, trong tương lai, vai trò và vị thế của luật sư Việt Nam sẽ ngày càng được khẳng định và đề cao trong xã hội và trên trường quốc tế.

[1]https://dangcongsan.vn/thoi-su/phat-huy-vai-tro-cua-luat-su-trong-cong-cuoc-cai-cach-tu-phap-538822.html

[2]https://plo.vn/plo/luat-su-lam-rau-than-chu-bai-1-tien-thay-bo-tui-221625.html

[3]https://luatsuhanoi.vn/thong-bao-thong-tin/thong-bao-vv-xu-ly-ky-luat-luat-su-tran-xuan-quang.html

https://tuoitre.vn/khi-luat-su-nhap-nhem-tien-bac-20180406094229122.htm

[4]https://anninhthudo.vn/khi-luat-su-bi-xoa-ten-do-vi-pham-dao-duc-nghe-nghiep-post315985.antd

[5]http://cand.com.vn/Ban-doc-cand/Tuyt-coi-nhung-luat-su-vi-pham-dao-duc-nghe-nghiep-355625/

[6]https://luatsuhanoi.vn/thong-bao-thong-tin/quyet-dinh-ve-viec-ky-luat-luat-su-bui-viet-hung.html

https://plo.vn/phap-luat/them-1-luat-su-bi-ky-luat-vi-khong-ky-hop-dong-voi-khach-857005.html

[7]https://plo.vn/phap-luat/tphcm-them-3-luat-su-bi-xoa-ten-vi-lua-doi-khach-hang-848480.html

[8]http://www.hcmcbar.org/NewsDetail.aspx?language=&CatPK=1&NewsPK=768

[9]https://www.liendoanluatsu.org.vn/post/đoàn-luật-sư-tp-hà-nội-tổng-kết-hoạt-động-năm-2017-và-triển-khai-nhiệm-vụ-năm-2018

share this post