Điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020.

Kể từ ngày 01/01/2021, Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực thi hành. Luật Doanh nghiệp 2020 kỳ vọng mang đến những thay đổi đáng kể đối với môi trường kinh doanh nói chung, cũng như đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư nói riêng.

Bài phân tích dưới đây của Luật Brandco sẽ tổng hợp những điểm mới quan trọng trong Luật doanh nghiệp 2020 và đưa ra những bình luận, đánh giá dưới góc nhìn của một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua bài viết này, các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp cũng sẽ nhận được những khuyến nghị hữu ích, để vừa tận dụng vừa thích ứng với sự thay đổi của pháp luật.

Phần I: Tổng hợp và đánh giá những điểm mới nổi bật

trong Luật Doanh nghiệp 2020

  1. Những bước tiến cải cách liên quan đến thủ tục hành chính

Nghiên cứu toàn văn của Luật Doanh nghiệp 2020 có thể nhận thấy một tinh thần hoàn toàn mới trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình thành lập và hoạt động doanh nghiệp: tinh giản số hóa.

Tinh thần tinh giản thể hiện rõ nhất bằng việc bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, cụ thể như:

- Thông báo mẫu con dấu trước khi sử dụng;

- Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp;

- Thông báo phát hành cổ phần riêng lẻ;

Và nhiều các biểu mẫu không cần thiết khác đã được loại bỏ.

Giờ đây, doanh nghiệp không còn gặp khó khăn khi bị Ngân hàng từ chối mở tài khoản hoặc đối tác ngần ngại không ký hợp đồng với lý do mẫu dấu chưa được đăng tải. Một số lượng lớn hồ sơ báo cáo thay đổi khi người quản lý doanh nghiệp bị miễn nhiệm/bãi nhiệm/chấm dứt Hợp đồng hay đơn giản có sự thay đổi về chỗ ở, giấy tờ chứng thực cá nhân đã được tinh giản để nâng cao hơn nữa quyền tự chủ của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc rất mạnh mẽ cắt giảm thủ tục hành chính, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành khi đi vào đời sống, đã thực sự xây dựng một môi trường “kinh doanh số” hiện đại. Vẫn là phương thức “đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử” đã được triển khai từ năm 2015, nhưng với hướng dẫn mới từ Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc đăng ký qua mạng điện tử hiện nay mới được trở về đúng ý nghĩa, khi mà doanh nghiệp không cần thiết phải nộp hồ sơ bản giấy để so sánh, đối chiếu với bản điện tử.       Cũng chính thức từ ngày Luật doanh nghiệp năm 2021 có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/01/2021, chữ ký số điện tử được ghi nhận giá trị như con dấu khắc của doanh nghiệp (khoản 1 Điều 43 Luật doanh nghiệp 2020). Doanh nghiệp có thể sử dụng chữ ký số trong các thủ tục với cơ quan Nhà nước và cả giao dịch thương mại, từng bước thay thế con dấu cũ đã lỗi thời. Đây là một cải tiến mang tính đột phá, rất phù hợp với xu thế phát triển của các doanh nghiệp trong thời đại số.

Hơn hết, các quy định mới nêu trên sẽ tác động tích cực trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng: tối ưu thời gian, tiết kiệm công sức, tiết kiệm chi phí và tăng quyền tự quyết cho doanh nghiệp.

  1. Nhóm nội dung thay đổi về quyền của cổ đông trong công ty cổ phần, quyền chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân.

Tất cả cổ đông trong công ty cổ phần, cho dù là cổ đông sở hữu số lượng lớn cổ phần hay là những cổ đông nhỏ lẻ, đại chúng, thì họ vẫn là đồng sở hữu của doanh nghiệp và có quyền được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, đến Luật Doanh nghiệp 2020, quyền của nhóm cổ đông nhỏ mới thực sự được chú trọng với nhiều quy định sửa đổi, bổ sung như:

- Bỏ quy định về thời gian sở hữu cổ phần liên tục và giảm tỉ lệ cổ phần tối thiểu: Trong Luật Doanh nghiệp 2014 một số quyền quan trọng của nhóm cổ đông nhỏ (yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông; xem xét trích lục báo cáo tài chính, sổ biên bản…) chỉ phát sinh khi họ đảm bảo đủ hai yếu tố: tỉ lệ cổ phần tối thiểu 10% và sở hữu cổ phần liên tục ít nhất 06 tháng. Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp 2020 đã đồng thời bãi bỏ thời hạn này và giảm tỉ lệ xuống 5% để đảm bảo tối đa quyền sở hữu của các chủ thể theo các quy định của pháp luật.

- Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định: trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần, Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty (Khoản 7 Điều 127).

Chúng ta đều biết, trong giai đoạn “Nhà nước quản lý” trước đây, mọi hoạt động chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp đều phải thông báo với Sở Kế hoạch và Đầu tư, do đó, các nhà đầu tư chỉ thực sự “yên tâm” khi hồ sơ được nộp cho cơ quan nhà nước thì mình có đầy đủ tư cách cổ đông. Tuy nhiên, với quy định mới này, Doanh nghiệp có nghĩa vụ chủ động đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông trong sổ cổ đông trong 24 giờ là một bước tiến lớn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ hoạt động và góp phần quan trọng bảo vệ quyền sở hữu của cổ đông mà không phải lệ thuộc, thông qua bất cứ một thủ tục hành chính nào.

- Trong Luật doanh nghiệp 2020, quyền ưu tiên mua cổ phần của các cổ đông hiện hữu được ghi nhận ngay cả trong trường hợp chào bán cổ phần riêng lẻ (Khoản 2 Điều 125). Đây cũng là một quy định gián tiếp bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông nhỏ, tránh việc chào bán cổ phần riêng lẻ không bị các cổ đông lớn lạm dụng để tập trung quyền lực. Cụ thể, với quy định của luật cũ, “tiếng nói” của nhóm cổ đông nhỏ lẻ hiện hữu mặc định bị bỏ qua khi nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông chấp thuận việc phát hành thêm cổ phần được thông qua. Trong khi đó, thực tế cổ phần phát hành thêm được mua bởi các nhà đầu tư mới thực sự hay chỉ là các “cổ đông chiến lược” do cổ đông lớn sắp xếp thì các cổ đông cũ không thể tác động, thay đổi được. Và lúc này, quyền lợi của họ trực tiếp bị ảnh hưởng; vị thế, vai trò của họ trong công ty ngày càng bị thu hẹp lại.

Như vậy, nhóm quy định này sẽ tác động lớn nhất đến các nhà đầu tư mới, những nhà đầu tư nhỏ lẻ, giúp củng cố và gia tăng niềm tin của họ khi gia nhập thị trường. Hệ quả tất yếu, doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi ích, khi khả năng huy động vốn của doanh nghiệp được mở rộng hiệu quả, bên cạnh nguồn vốn Ngân hàng chủ yếu như hiện hành.

  • Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2020 còn có các nội dung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần, thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành. Nội dung này tương thích với Luật Cạnh tranh 2018. Như vậy, xét cả trực tiếp và gián tiếp thì Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ có tác động rất lớn đến phát triển thị trường vốn, giúp doanh nghiệp cơ hội lớn hơn trong huy động nguồn vốn đầu tư ngoài nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng trong quá trình hoạt động.
  1. Những bước tiến cải cách liên quan đến người quản lý doanh nghiệp
  • Một trong những thay đổi quan trọng trong Luật doanh nghiệp 2020 đó là quy định về quyền hạn, trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện.

Khoản 2 Điều 12 quy định: “Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì tất cả những người đại diện theo pháp luật của công ty là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Quy định này là sự tháo gỡ vướng mắc cho vấn đề còn bỏ ngỏ từ Luật doanh nghiệp 2014. Thực tế khi Luật doanh nghiệp 2014 được thực hiện, nhận thấy thuận tiện của việc có nhiều người đại diện theo pháp luật, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký thay đổi; tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng ý thức được tầm quan trọng của việc phân chia rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm, dẫn đến các tranh chấp về kinh doanh thương mại. Quy định mới này sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp của các bên liên quan đến thẩm quyền giao dịch. Còn riêng với các doanh nghiệp, thay đổi này dẫn đến một yêu cầu tất yếu: các doanh nghiệp phải có giải pháp nâng cao năng lực quản trị của mình.

  • Bên cạnh việc ràng buộc trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người quản lý doanh nghiệp nói chung như Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng Giám đốc cũng được bổ sung và quy định rõ ràng.

Điều này cũng góp phần bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu doanh nghiệp trong trường hợp họ quyết định “giao” doanh nghiệp của mình cho một/một số cá nhân trực tiếp điều hành. Việc gắn trách nhiệm cá nhân của mình với sự phát triển của doanh nghiệp sẽ hạn chế sự lạm dụng quyền hạn, hoặc sự tùy tiện, buông lỏng trong quản lý của những đối tượng này.

Phần II. Khuyến nghị pháp lý

đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư

  1. Sử dụng phương thức điện tử trong các hoạt động của doanh nghiệp

Chữ ký số điện tử, hóa đơn điện tử, giao dịch bảo hiểm – thuế điện tử, đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử… đã và đang tạo ra một “cuộc cách mạng” cho các doanh nghiệp, vừa tăng cường tính minh bạch, chính xác, vừa tiết kiệm đáng kể nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần tận dụng sự thay đổi của pháp luật và hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, chủ động, tích cực trong việc sử dụng phương thức điện tử khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên thay đổi thói quen và quan niệm về con dấu truyền thống, sử dụng chữ ký số điện tử trong cả các giao dịch thương mại. Chữ ký số điện tử sẽ giúp cho các giao dịch đảm bảo tính an toàn và bảo mật cao, tránh những tranh chấp phức tạp có thể phát sinh từ việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu, đóng dấu giáp lai.

Còn với các doanh nghiệp ở các vùng khó khăn, chưa thể ứng dụng phương thức điện tử trong điều hành quản lý, tối thiểu cũng cần có biện pháp để công khai chữ ký và mẫu con dấu của doanh nghiệp, để các đối tác, khách hàng, cơ quan nhà nước có thể nhận diện doanh nghiệp, tránh chịu thiệt hại hoặc gây mâu thuẫn không đáng có.

  1. Nâng cao năng lực quản trị nội bộ doanh nghiệp

Sự thay đổi của pháp luật theo các thông lệ quốc tế, tất yếu đòi hỏi doanh nghiệp phải tự nâng cấp năng lực quản trị nội bộ để duy trì, bảo vệ hoạt động ổn định; đạt được sự tin tưởng của các nhà đầu tư; thu hút đa dạng nguồn vốn đầu tư.

Trên cơ sở nhiều năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị nội bộ doanh nghiệp, Luật Brandco đề xuất các giải pháp cụ thể mà các doanh nghiệp nên xem xét áp dụng như sau:

Trước hết, cần thay đổi và nâng cao nhận thức của chủ sở hữu doanh nghiệp về vấn đề quản trị doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải ý thức được, năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhiều kết quả khảo sát của các tổ chức uy tín trên thế giới đã chỉ ra rằng: trong cùng điều kiện về nguồn lực, năng lực quản trị tốt sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị và tăng trưởng vững chắc. Ngược lại, quản trị yếu kém tất yếu sẽ dẫn đến sự mất niềm tin của người lao động, nhà đầu tư, khách hàng và hệ quả làm sụt giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi lối mòn quản trị theo hình thức “gia đình” để tiến tới các chuẩn mực, thông lệ tiến bộ của quốc tế.

Thứ hai, cần phân định rõ quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp và nâng cao năng lực của nhóm quản lý cấp cao. Nhân lực chính là nguồn tài nguyên quý giá của doanh nghiệp; trong đó, nhóm nhân lực quản lý cấp cao có kỹ năng, có kinh nghiệm và tầm nhìn tốt sẽ là nòng cốt đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển. Doanh nghiệp cần phân định rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của từng người quản lý, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đảm bảo một cơ cấu tổ chức hiệu quả và khoa học.

Thứ ba, cần xây dựng chặt chẽ hệ thống các quy định, quy chế trong doanh nghiệp. Trong hệ thống văn bản nội bộ, doanh nghiệp trước nhất cần chú trọng xây dựng bản Điều lệ, để thực sự trở thành “luật riêng” của doanh nghiệp. Không đơn thuần là sự sao chép quy định pháp luật, Điều lệ phải quy định cụ thể tới những tỉ lệ, những quyền hạn… mà Luật Doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp quyền tự chủ, để phù hợp với đặc trưng của đơn vị mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng được một hệ thống quy trình sản xuất, quy chế quản lý nội bộ, quy trình kiểm toán nội bộ, quy chế tài chính, nội quy lao động… để các hoạt động của doanh nghiệp đảm bảo vận hành một cách chuyên nghiệp và ổn định.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần xác định áp dụng tối đa các thế mạnh của  ứng dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả quản lý. Với các doanh nghiệp có điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp có thể quản trị nội bộ bằng các phần mềm công nghệ, sử dụng nền tảng lưu trữ điện tử, xây dựng sổ cổ đông/sổ thành viên điện tử; thông báo mời họp điện tử; biểu quyết điện tử…

  1. Tiếp cận và sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của các tổ chức hành nghề luật sư trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp: khi gia nhập thị trường, ổn định doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Sự thông thoáng của pháp luật ngược lại cũng tạo thành rủi ro đối với những người muốn bước chân vào thị trường vốn, đầu tư nhưng lại không thực sự am hiểu. Do vậy, việc có được lời khuyên của các chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm và kỹ năng chuyên sâu về doanh nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp là một lựa chọn an toàn và cần thiết giúp doanh nghiệp tự tin nắm bắt thị trường, áp dụng các quy định pháp luật để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình và đối tác, hướng tới sự phát triển bền vững trong quá trình vươn lên phát triển lớn mạnh hơn.

Trên đây là những quan điểm, phân tích pháp lý của Công ty Luật TNHH Brandco liên quan đến những điểm mới trong Luật doanh nghiệp 2020 – dựa trên những kiến thức và kinh nghiệm thực tế của chúng tôi trong nhiều năm tư vấn về quản trị nội bộ và tài chính doanh nghiệp. Chúng tôi hi vọng rằng, những chia sẻ này sẽ thực sự hữu ích đối với những nhà đầu tư, doanh nghiệp và có thể đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển chung của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

 

share this post